Thứ Tư, 22 tháng 5, 2019

CHIẾC BÌNH NỨT - Bí Quyết Nuôi Dạy Con Cái Cho Các Bậc Cha Mẹ

Chúng ta vẫn thường hay tự an ủi mình mỗi khi cảm thấy bản thân mình không được tốt đẹp hay may mắn như người khác rằng “trên đời không có ai là hoàn hảo cả”. Đúng vậy, dù có là bậc vĩ nhân thì vẫn luôn có những khuyết điểm. Đôi khi những khiếm khuyết hoàn toàn không tệ như chúng ta vẫn nghĩ. Tuy nhiên, nếu biết chấp nhận và tận dụng nó thì bạn hoàn toàn có thể biến những khuyết điểm đó thành thứ có ích. Chuyện về chiếc bình nứt sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về điều đó.
Ngày xưa ở một làng nọ của Ấn Độ, có một anh chàng gánh nước với hai chiếc bình, một chiếc bình bị nứt, còn chiếc bình kia thì nguyên vẹn. Mỗi khi gánh nước, anh treo mỗi chiếc bình vào một đầu đòn gánh. Chiếc bình nguyên vẹn không bao giờ để rơi một giọt nước nào trên đường từ sông về nhà. Còn chiếc bình nứt thì dẫu cho người gánh nước có đổ đầy bình đi chăng nữa, thì khi về đến nhà nó cũng chỉ còn lại nửa bình.
Suốt hai năm trời anh ta vẫn sử dụng hai cái bình đó để gánh nước, mặc dù lượng nước mà anh ta mang về nhà không còn nguyên vẹn. Và lẽ dĩ nhiên, cái bình tốt tỏ vẻ hãnh diện, tự hào về sự hoàn hảo của mình. Bởi vì nó có thể đem đầy nước về nhà, đạt được đúng như mục đích mà nó đã được người ta tạo ra. Còn chiếc bình nứt lúc nào cũng thấy vô cùng xấu hổ về bản thân mình. Bởi vì lúc nào nó cũng chỉ có thể đem về nhà được một nửa bình nước vì thế nó luôn mang trong mình cảm giác thất bại.
Hai năm trôi qua, một ngày nọ, ở bên bờ sông, chiếc bình nứt vốn đã chịu nhiều đau khổ trong suốt thời gian dài bèn lên tiếng với người gánh nước: “ Ông chủ ơi, con cảm thấy rất xấu hổ và cảm thấy thật có lỗi với ông”. Người gánh nước bèn hỏi “Tại sao con lại nghĩ như vậy? Con xấu hổ vì điều gì chứ?” Chiếc bình nứt bèn trả lời: “Suốt hai năm qua, chỉ vì vết nứt bên hông mà con chỉ đem về được có một nửa bình nước cho ông mà thôi. Vì nước đã bị rò rỉ trên đường về nhà, ông đã làm việc chăm chỉ nhưng kết quả mang lại cho ông đã không hoàn toàn như ông mong đợi. Chính vì thế con cảm thấy rất buồn và có lỗi với ông”.
Người gánh nước cảm thấy rất tội nghiệp chiếc bình nứt bèn nói với nó: “Khi chúng ta trên đường từ sông về nhà, ta muốn con chú ý đến những bông hoa tươi đẹp mọc bên vệ đường xem sao”.
Khi được người gánh nước quẩy trên vai để về nhà, cái bình nứt đã nhìn thấy những bông hoa tươi đẹp dưới ánh nắng mặt trời ấm áp. Những bông hoa quả là đẹp, chiếc bình nứt nhủ thầm và nó cảm thấy vui vẻ hơn một chút. Nhưng khi về đến nhà nó lại xấu hổ vì một nửa nước đã bị rò trên dọc đường về và một lần nữa nó lại xin lỗi người gánh nước.
Người gánh nước liền nói với nó: Con có nhìn thấy những bông hoa bên vệ đường không? Và con có nhận thấy những bông hoa chỉ nở ở bên đường phía con không? Thật ra, ta đã biết về vết nứt của con, nên ta đã chủ tâm gieo một số hạt hoa ở vệ đường phía bên con và mỗi ngày khi ta gánh nước về nhà, con đã tưới nước cho chúng bằng những giọt nước rơi ra từ chỗ rò rỉ của con mà con không hề hay biết. Suốt hai năm qua, trong nhà ta không bao giờ thiếu những bông hoa đẹp cắm trên bàn. Nếu như con không phải là con như thế này, thì ta cũng không thể có những bông hoa đẹp để trang trí trong ngôi nhà của mình.
“Chiếc bình nứt” trong câu chuyện đã tự nhận thức được sự khiếm khuyết bản thân, nhưng cũng chính vì điều này mà nó luôn tự dằn vặt mình. Nó cảm thấy xấu hổ vì đã không mang được nhiều nước về nhà cho người gánh nước kia. Nhưng bạn thấy đấy, ngay cả “chiếc bình nứt” cũng có thể là nguồn sống cho những bông hoa tươi đẹp bên đường.
Còn chiếc bình lành tưởng chừng rất hoàn hảo, nhưng hóa ra nó cũng “nứt” ở chỗ không thể làm cho những bông hoa tươi đẹp ven đường mọc lên, nó không thể đem lại sự đồng cảm và cả tình yêu thương nữa. Điều đó càng khẳng định một điều rằng, không có ai hoàn hảo cả. Và chúng ta cần phải luôn bổ sung, lấp cho đầy những vết nứt ấy cho nhau để tạo ra những giá trị tốt đẹp hơn trong cuộc sống.
Mỗi người đều có những “vết nứt” rất riêng biệt, mỗi người là một chiếc bình nứt. Công việc của chúng ta, những người làm cha làm mẹ không phải là chỉ trích vết nứt của con, cũng không phải chỉ trích vết nứt của chính mình. Hãy gieo những hạt hoa tương ứng với vết nứt ấy của con, đó mới chính là công việc của cha mẹ. Chúng ta sẽ làm cho những bông hoa ấy nở như thế nào và con sẽ tỏa sáng ra sao, tất cả tùy thuộc vào cách làm của cha mẹ.
Câu chuyện “Chiếc bình nứt” khép lại nhưng nó vẫn còn để lại cho chúng ta thật nhiều suy ngẫm. Những người làm cha làm mẹ không ai hoàn hảo và con cái chúng ta cũng vậy. Tuy nhiên, đối diện với những khiếm khuyết của chính mình, mỗi người cần học cách chấp nhận, đồng thời hướng đến những điều tốt đẹp của bản thân. Ai cũng có những khuyết điểm nhưng đằng sau những khuyết điểm ấy, mỗi người vẫn luôn có giá trị riêng. Nếu chúng ta biết cách tận dụng và biến nó thành lợi thế thì con cái chúng ta sẽ thành công hơn trong cuộc sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét